Giới chuyên gia cho rằng, thay vì để việc đô thị hóa, xây
dựng phá vỡ kiến trúc, không gian di sản, điều cần làm là biến bất động sản
thành di sản.
Tại Hội thảo "Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc
trong đô thị" do báo Thanh Niên tổ chức, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở
Du lịch TP.HCM cho biết, thành phố hiện có 172 di tích và chỉ 23% trong số đó
có thể phát huy thành điểm đến du lịch.
Tuy số lượng không nhiều, nhưng trong top 10 điểm được ưu
tiên khi đến TP.HCM đều có những công trình kiến trúc mang tính di sản. Cứ
2 vị khách quốc tế đến Việt Nam thì có 1 người đến TP.HCM để chiêm ngưỡng sự
hài hoà về kiến trúc. Vấn đề là hiện nay, một số di sản chưa quảng bá tốt thông
tin chiều sâu, lại khó tiếp cận vì hạn chế giao thông.
Còn theo PGS. TS. KTS Trần Văn Khải, giảng viên môn bảo tồn
di sản, các không gian di sản đô thị của TP.HCM đang ngày càng mai một do tác động
mạnh từ đô thị hóa. Hiện nay khi giá đất tăng cao, di sản khó tồn tại bởi tư
duy xây nhà cao ốc có lời hơn so với giữ lại chùa chiền, công trình lịch sử.
Các di sản cổ liên tục bị thay thế bởi những công trình có hiệu quả kinh tế
cao.
Theo ông Khải, các công trình di sản kiến trúc là yếu tố thu
hút du lịch rất tốt. Việc phá hoại di sản không đơn giản là phá hủy một ngôi
nhà hư nát mà chính là phá hủy nguồn lợi lớn trong thu hút du lịch của doanh
nghiệp địa phương.
Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM,
ông Trương Kim Quân cho rằng, quá trình đô thị hóa đang diễn ra tại TP.HCM rất
nhanh, cùng với đó là hàng loạt công trình thuộc sở hữu tư nhân. Trong khi giá
đất đắt đỏ, thì công trình di sản lại không được bán, chuyển nhượng
hay xây mới nên nhiều doanh nghiệp tìm cách “né”. Do đó, phải làm tốt công tác
bảo tồn di sản mà không gây mâu thuẫn, có sự bù đắp thỏa đáng để người dân được
hưởng lợi từ các công trình di sản.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA nhận định, giữa phát triển
đô thị và bảo tồn đang có nhiều mâu thuẫn, đòi hỏi các nhà quản lý đô thị cần
có tầm nhìn và có những hoạch định mang tính khoa học, hài hòa giữa hiện đại và
quá khứ. Việc đẩy mạnh công tác kiểm đếm, phát hiện di tích mới hằng năm, đưa
tòa nhà đang có nguy cơ bị xóa sổ vào danh mục bảo tồn di sản, hoàn thành đề án
cho người dân có quyền chuyển nhượng không gian di sản như cách mà các nước
trên thế giới đang làm… đều rất quan trọng. Đồng thời, chính quyền cần khuyến
khích các công trình xanh, thông minh, xây dựng các dự án gắn liền với phát triển
di sản.
Về phía doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc
Công ty Phúc Khang cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất đối với việc
quy hoạch, phát triển đô thị hiện nay là tạo ra những công trình di sản mới phù
hợp với thế hệ công dân mới. Với các công trình có tuổi thọ lên tới 50-70 năm,
mỗi nhà đầu tư đang góp phần xây dựng cho thành phố một đô thị hàng trăm năm tuổi.
Còn về mặt du lịch, kinh doanh du lịch chính là kinh doanh bản sắc.
Do đó, CEO Phúc Khang đề nghị phải tìm giải pháp bảo tồn các
di sản, làm sao tích hợp quá khứ vào hiện tại, tích hợp kiến trúc cổ vào đô thị
thông minh để chuyển giao, giữ gìn di sản, truyền thống của đất nước nhưng
không lạc hậu. Xây dựng một thành phố hội tụ đầy đủ yếu tố của nhân loại, một
thành phố hội nhập, hưởng thụ di sản văn hóa thế giới bên cạnh các bản sắc văn
hóa vốn có là nhiệm vụ tất yếu của tất cả công dân đang sinh sống tại TP.HCM.
Phương Uyên
(Theo Tuổi trẻ Online)
0 nhận xét: