Đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, tính tới 19/5, đơn vị này đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam (con số của năm 2018).
Ảnh minh họa |
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn tập quốc tế ASEAN-Nhật Bản với chủ đề "Tấn công DoS/DDoS và các hoạt động phối hợp ứng cứu, xử lý sự cố" diễn ra sáng 23/5.
Trong số các cuộc tấn công vào không gian mạng Việt Nam nói trên, có 2.661 sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface), 766 sự cố tấn công mã độc (Malware) và 608 sự cố tấn công lừa đảo (Phishing). Bên cạnh đó, hàng ngày có khoảng gần 100.000 địa chỉ mạng của Việt Nam truy vấn hoặc kết nối đến mạng lưới máy tính ma (Botnet).
Trong năm 2017, VNCERT cũng ghi nhận có 13.382 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam. Trong đó, tấn công mã độc là 6.400 trường hợp; tấn công thay đổi giao diện 4.377 trường hợp và tấn công lừa đảo là 2.605 trường hợp.
Từ đầu năm tới nay, dư luận đã rất quan tâm tới nhiều sự kiện về mất an toàn thông tin được báo chí đăng tải như vụ 41.000 máy tính bị nhiễm mã độc đào tiền ảo lây lan qua Facebook Messenger; hơn 139.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus đào tiền ảo W32.AdCoinMiner hay vụ việc bê bối lộ lọt thông tin người dùng của Facebook, trong đó Việt Nam có tên trong 10 quốc gia bị lộ lọt nhiều nhất...
Tại Security World 2018, Trung tướng, phó giáo sư Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho hay, tình hình lộ bí mật nhà nước, lộ thông tin cá nhân của người dùng Internet diễn ra đáng lo ngại. Mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên Internet. Thậm chí, ông cho rằng thực tế có thể còn vượt xa con số đã phát hiện do tính chất nặc danh, khó phát hiện của môi trường mạng dẫn tới những hậu quả khôn lường.
0 nhận xét: